Bệnh thường gặp

Biến chứng nguy hiểm của vôi hóa van tim

Cập nhật469
0
0 0 0
Biến chứng nguy hiểm của vôi hóa van tim
Vôi hóa van tim là bệnh lý tim mạch thường gặp, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời, khi các mảng vôi hóa làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và di chuyển vào tuần hoàn chung gây tắc hẹp mạch máu.
1. Thế nào là vôi hóa van tim?
Bệnh vôi hóa van tim là tình trạng khi các mảng canxi và mô mỡ, các khoáng chất dư thừa bám tại van. Điều này làm các van tim cứng và hẹp lại đóng mở kém linh hoạt. Van tim không thể đóng mở bình thường dẫn đến tim hoạt động không hiệu quả, giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hẹp dần dần làm gia tăng sức cản với dòng máu và tăng hoạt động tim. Bên cạnh đó, những mảng vôi hóa làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, cục máu đông di chuyển vào tuần hoàn chung gây tắc hẹp mạch máu, đặc biệt nếu tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch não gây đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng
2. Các van tim bị vôi hóa như thế nào?
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh vôi hóa van tim, một trong những nguyên nhân phổ biến là do sự lão hóa thông thường của van tim, vì thực tế tim là cơ quan hoạt động mạnh nhất trong cơ thể. Ngoài ra, di truyền cũng là một trong những yếu tố góp phần, các bất thường van bẩm sinh sẽ làm cho các lá van trở nên cứng chắc về sau. Các nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến bệnh vôi hóa van tim bao gồm: Thuốc lá, tiểu đường, bệnh thận mạn và gia tăng nồng độ cholesterol và triglyceride. Phần lớn các van tim vôi hóa do xơ vữa động mạch, đây là quá trình gây ra sự tắc nghẽn trong các động mạch tại tim cũng như các bộ phận khác trong cơ thể
Tình trạng viêm nhiễm trên van tim cũng có khả năng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu làm thúc đẩy quá trình vôi hóa. Bất chấp tất cả các nguyên nhân có khả năng bị vôi hóa van tim, cơ chế chính xác gây nên bệnh vẫn còn đang được nghiên cứu.
Các nguyên nhân khác gây vôi hóa van động mạch chủ, hoặc van dày cứng có thể là do sau xạ trị vùng ngực và bệnh lý van động mạch chủ hậu thấp
3. Có phải cả 4 van tim đều có khả năng bị vôi hóa?
Các van tim bên trái (van ĐMC và van 2 lá) là hai van thường bị vôi hóa nhất. Van ĐMC được xem là van chính hoặc “cửa trước của tim”, điều khiển toàn bộ lưu lượng máu đi ra khỏi tim và là van tim bị vôi hóa thường gặp nhất. Đối với các van tim bên phải (Van 3 lá và van ĐMP) thì rất hiếm khi có tình trạng vôi hóa lá van, về lý do cũng chưa được thực sự rõ ràng
Một khi vôi hóa van động mạch chủ, nó ảnh hưởng đến cả hai lá van (cửa van) và vòng van (vòng tròn giúp lá van dính vào). Đối với vôi hóa van hai lá, đa phần chỉ ảnh hưởng đến vòng van, nhưng cũng có khi ảnh hưởng đến cả lá van. Bệnh lý phổ biến có thể gây ra vôi hóa van hai lá là bệnh lý van tim hậu thấp.
Vị trí 4 van tim trong buồng tim
Lắng đọng canxi thường được thấy nhiều nhất tại những khu vực có dòng máu chảy xoáy, van động mạch chủ là một trong những vị trí phổ biến nhất ở giữa thất trái và động mạch chủ. Van ĐMC 2 mảnh (BAV) và các bất thường van khác có ảnh hưởng đến dòng máu chảy xoáy, đó là lý do tại sao những bệnh nhân này bị vôi hóa van ở độ tuổi trẻ hơn nhiều. Bệnh van ĐMC 2 mảnh là một bất thường bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm khoảng 1-2% dân số chung.
4.Dấu hiệu phát hiện sớm bệnh
Ở giai đoạn đầu dấu hiệu bệnh thường mờ nhạt, vì thế rất khó phát hiện mà hầu như được chẩn đoán khi thăm khám định kỳ. Chỉ đến khi bệnh nặng hơn, các triệu chứng mới xuất hiện rầm rộ: đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực, chóng mặt... Để phát hiện sớm tình trạng này, người bệnh không còn cách nào khác nên thăm khám chuyên khoa tim mạch định kỳ, đặc biệt những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh này như: người bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, người cao tuổi...
5. Biến chứng của vôi hóa van tim
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh vôi hóa van tim sẽ để lại những biến chứng: rối loạn nhịp tim: bệnh sẽ ảnh hưởng sự lưu thông máu ra vào tim, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn, tim đập sẽ bất thường gây ra rối loạn nhịp tim; viêm nội tâm mạc nhiễm trùng van tim: là một bệnh nhiễm trùng của màng trong tim, có liên quan đến một trong các van tim. Trong trường hợp van bị vôi hóa, van tim này sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn những van bình thường khác; phì đại tâm thất trái: vôi hóa van động mạch chủ mà ở mức độ nặng, lỗ van động mạch chủ bị thu sẽ làm cản trở một phần dòng máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ, đòi hỏi tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể, để lâu có thể dẫn đến phì đại tâm thất trái; suy tim: phì đại tâm thất trái là tiền đề dẫn đến suy tim.
Người bị vôi hóa van tim cần hạn chế tối đa thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò.
6. Vôi hóa van tim ảnh hưởng lên bệnh nhân như thế nào?
Một khi tình trạng vôi hóa và hẹp van tim trở nên nặng, bệnh nhân sẽ bị khó thở ngày càng tăng khi gắng sức. Đau đầu và đau ngực là những triệu chứng phổ biến khác.
Bệnh nhân bị vôi hóa van tim lâu ngày có thể ảnh hưởng đến cấu trúc tim: tim to cũng như là dày thành cơ tim. Việc thay đổi cấu trúc của tim sẽ ảnh hưởng xấu đến tim. Tất cả những hậu quả xảy ra sẽ làm giới hạn chất lượng sống của bệnh nhân cũng như là tuổi thọ.
Trong một số ít trường hợp, bệnh nhân hẹp van ĐMC khít có thể bị ngừng tim hoặc đột tử. Tuy nhiên khả năng xảy ra điều này là rất thấp trên những bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng. Các triệu chứng như vậy sẽ nhanh chóng cải thiện sau khi phẫu thuật thay van tim.
Bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau ngực
7. Điều trị vôi hóa van tim thế nào?
Điều trị vôi hóa van tim dùng thuốc là chưa đủ, chế độ ăn uống, tập luyện có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị.
Nhóm thuốc statin - thuốc hạ mỡ máu: nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vôi hóa van tim là sự tích tụ cholesterol ở van tim; thuốc chẹn giao cảm: có thể sử dụng trong trường hợp nhịp nhanh do hẹp - hở van tim, suy tim nhưng chức năng tim còn bù; thuốc chống rối loạn nhịp; thuốc chống đông máu thường được sử dụng cho bệnh nhân đã có biến chứng rung nhĩ, buồng tim giãn… vì nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong tim.
Điều trị vôi hóa van tim bằng phương pháp can thiệp phẫu thuật: nong mạch vành qua đường ống thông (qua da) để điều trị bệnh vôi hóa van tim; thay van bị lỗi qua da như: thay van động mạch chủ, thay van 2 lá; tách mép van: trong quá trình phẫu thuật sẽ sử dụng tay hoặc dụng cụ để tách mép van bị dính trong trường hợp vôi hóa van tim gây hẹp van. Ngày nay phương pháp này được thay thế bởi phương pháp nong van bằng bóng qua da;  sửa van: khâu hẹp vòng van, khâu lại các vết rách ở lá van, sửa dây chằng, cột cơ của van tim…; thay van tim được chỉ định trong trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật sửa van, hoặc tách mép van hay điều trị nội khoa không hiệu quả. Van mới này có thể là van sinh học hoặc van cơ học.     
8. Lời khuyên của bác sĩ
Với những người có van tim bị vôi hóa cần hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa nhiều chất béo như mỡ động vật, các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò. Thay vào đó, bổ sung nhiều các loại rau, quả, tươi có chứa nhiều chất xơ hoà tan và hải sản như cá có nhiều omega-3 tốt cho tim mạch. Bên cạnh đó cần thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe tim mạch. Tập thể thao sẽ giúp bạn tránh được quá trình tích tụ mỡ của cơ thể, vốn được xem là một trong những nguyên nhân gây vôi hóa van tim. Ngoài ra, làm tăng cường lượng máu tới tim, giúp tim hoạt động hiệu quả.
Nguồnsuckhoedoisong.vn
Lượt xem03/06/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng