Bệnh thường gặp

Điều trị ra mồ hôi tay chân bằng đông y

Cập nhật593
0
0 0 0
Điều trị ra mồ hôi tay chân bằng đông y
Đại cương
Lòng bàn tay và lòng bàn chân có nhiều tuyến mồ hôi dày đặc hơn so với các phần còn lại của cơ thể. Tăng tiết mồ hôi biểu hiện phổ biến nhất của lòng bàn tay. Thường kèm theo tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn chân. Trong trường hợp nặng, bất kể thời tiết nóng hay lạnh, lòng bàn tay, bàn chân đều bị ẩm ướt do tăng tiết mồ hôi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến học tập, làm việc và các vấn đề sinh hoạt khác trong xã hội.

Tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay chân là một chứng bệnh thường do di truyền. Đa số bắt đầu trong thời thơ ấu hay lứa tuổi vị thành niên. Nam nữ đều có thể mắc bệnh kéo dài trong nhiều năm. Sau 25 tuổi, bệnh có thể được giảm một cách tự nhiên. Tay chân bị mồ hôi ẩm ướt kéo dài, sẽ dễ dàng bong tróc, nứt nẻ, viêm da, tổn thương mô do lạnh giá, mụn cóc hoặc nhiễm nấm ngoài da.

Ra mồ hôi tay chân là một tình trạng lâm sàng khó khăn. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như đáp ứng điều trị của từng cá nhân.
Tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay chân là một chứng bệnh thường do di truyền.
Nói chung, ra mồ hôi tay chân từ nhẹ đến vừa phải, thì phù hợp chọn lựa sử dụng các sản phẩm chống mồ hôi tại chỗ, như các loại bột, cao với thành phần chủ yếu chứa 10-35% nhôm. Sử dụng đúng phương pháp là mỗi tối trước khi đi ngủ bôi thuốc vào lòng bàn tay, bàn chân, băng kín lại và rửa sạch vào buổi sáng hôm sau. Sau khi tình trạng ra mồ hôi được cải thiện, nên tiếp tục duy trì mỗi tuần một lần để kiểm soát.

Ion thấu nhập pháp hay phương pháp điện chuyển ion (Iontophoresis) cũng thích hợp cho điều trị ra mồ hôi tay chân. Đó là sử dụng dòng điện yếu để kích thích, nhằm ức chế tạm thời sự bài tiết của tuyến mồ hôi, tiến hành một số ngày trong mỗi tuần.

Tiêm cục bộ botulinum toxin (Botox), mặc dù gây đau, nhưng có hiệu quả tốt trong khống chế sự tăng tiết mồ hôi của lòng bàn tay nặng. Phương pháp này có thể được duy trì trong vòng sáu tháng.

Cuối cùng, khi các phương pháp điều trị bảo tồn không đạt kết quả mong muốn thì có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Nói chung, việc điều trị toàn diện luôn có kết quả tốt hơn so với điều trị đơn thuần bằng một phương pháp.

Ngoài ra, tinh thần hoặc cảm xúc của bệnh nhân, các loại thực phẩm có tính kích thích cũng là nguyên nhân rõ ràng gây ra sự tăng tiết mồ hôi này. Bệnh nhân nên cải cải thiện thói quen sinh hoạt, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, luyện tập các kỹ năng thư giãn. Đồng thời hạn chế ăn uống các chất kích thích như các loại gia vị cay, rượu, cà phê.
Tăng tiết mồ hôi khi tinh thần căng thẳng là biểu hiện của tâm dương bất túc
Chẩn đoán và điều trị tăng tiết mồ hôi tay chân theo đông y
Theo lý luận của đông y, Tỳ chủ cơ nhục, phụ trách vận hóa thủy cốc và phân bố các chất tinh vi phân bố ra tứ chi. Khi Tỳ Vị bị bệnh, quá trình vận hóa thất thường, tân dịch sẽ tràn ra tay chân làm xuất hiện tượng lòng bàn tay và bàn chân đổ mồ hôi. Chứng tăng tiết mồ hôi tay-chân chủ yếu do bệnh lý ở tỳ vị, đồng thời các tạng phủ khác cũng có liên quan. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng sẽ giúp hiểu rõ hơn cơ chế bệnh sinh của chứng này.
  • Dương Minh nhiệt: Tăng tiết mồ hôi tay-chân kèm với táo bón;
  • Tỳ vị thấp nhiệt: Tăng tiết mồ hôi chân, mồ hôi có tính nhầy dính;
  • Tâm thận âm hư: Tăng tiết mồ hôi kèm theo lòng bàn tay chân nóng;
  • Tỳ vị hư hàn: chân tay lạnh ướt.
Biện chứng luận trị của Đông y về chứng tăng tiết mồ hôi ngoài việc chú ý đến mức độ tiết mồ hôi cục bộ mà còn cần thăm khám toàn diện các triệu chứng đi kèm. Thường sử dụng các loại thuốc và thực phẩm có tác dụng cố sáp liễm hãn (ngăn chặn tiết mồ hôi quá nhiều) phổ biến như: Toan táo nhân, Ma hoàng căn, Long cốt, mẫu lệ v.v nhằm tăng cường hiệu quả cầm mồ hôi.

Tỳ vị thấp nhiệt
- Triệu chứng: ra nhiều mồ hôi tay chân, kèm ngực bụng đầy tức, chán ăn, cơ thể nặng nề, thân nhiệt không tăng, nước tiểu sẫm màu lượng ít, đại tiện không thông, rêu lưỡi vàng, nhầy dính, mạch phù sác hoặc phù hoạt.
- Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt, táo thấp, hòa trung.
- Bài thuốc điển hình: Tam nhân thang gia thêm bạch truật.

Tâm thận âm hư:
- Triệu chứng: ra nhiều mồ hôi tay chân, kèm theo khô miệng, ngũ tâm phiền nhiệt, ăn không ngon miệng, ngủ kém, đại tiện bất điều, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch tế sác.
- Phương pháp điều trị: tư âm, thanh nhiệt.
- Bài thuốc điển hình: Lục vị địa hoàng hoàn gia thêm mạch đông, ngũ vị tử.

Tỳ vị hư hàn
- Triệu chứng: ra nhiều mồ hôi tay chân, kèm theo tay chân không ấm áp, xanh xao, kém ăn, cơ thể mệt mỏi, tiểu tiện bất lợi, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch hư nhược.
- Phương pháp điều trị: ôn bổ trung dương.
- Bài thuốc điển hình: Lý trung thang gia thêm ô mai.

Tâm dương bất túc
- Triệu chứng: ra nhiều mồ hôi lòng bàn tay, ở tay nhiều hơn. Khi căng thẳng tinh thần thì tăng tiết mồ hôi gia tăng, ngủ không yên.
- Phương pháp điều trị: Dưỡng tâm, an thần, cầm mồ hôi.
- Bài thuốc điển hình: Quế chi thang gia long cốt, mẫu lệ, quy bản, toan táo nhân, phù tiểu mạch.

Châm cứu điều trị tăng tiết mồ hôi tay chân
Châm cứu có thể điều trị hỗ trợ chứng tăng tiết mồ hôi tay chân. Nó có thể tăng cường sự ổn định thần kinh, điều tiết nội tiết, nhằm đạt được mục đích ức chế sự tiết mồ hôi.

Đông Y cho rằng tăng tiết mồ hôi lòng tay chân chủ yếu do bệnh lý ở tỳ vị hoặc can kinh uất nhiệt làm ảnh hưởng đến tỳ, dẫn đến sự điều hòa tân dịch trong cơ thể bị rối loạn làm cho mồ hôi tăng tiết ở tứ chi. Các huyệt vị thường được sử dụng để châm cứu là: tỳ du (Bl 20), vị du (Bl 21), trung quản (Cv 12), chương môn (Lr 13), khúc trì (Li 11), hợp cốc (Li 4), túc tam lý (St 36), tam âm giao (Sp 6), âm lăng tuyền (Ht 6) v.v.

Ngoài ra, tăng tiết mồ hôi cục bộ cũng có liên quan đến hệ thống kinh lạc tuần hành qua vị trí lòng bàn tay chân như: Kinh thủ quyết âm tâm bào lạc, kinh thủ thiếu âm Tâm, Túc thiếu âm thận. Thủ pháp châm cứu cũng có tác dụng sơ thông và điều hòa kinh mạch.
Ví dụ
  • Trong trường hợp tâm thận âm hư, thì châm bổ hai huyệt phục lưu (Ki 7) và âm khích (Ht 6) và châm tả huyệt hợp cốc (Li 4) sẽ có tác dụng nuôi dưỡng tâm thận, điều dưỡng vệ khí, làm ngừng tiết mồ hôi.
  • Trong trường hợp tâm thận dương hư, thì châm bổ hai huyệt phục lưu (Ki 7) và khí hải (Cv 6) có tác dụng bổ tâm thận, trợ vệ khí. Nếu ra mồ hôi tay nhiều thì châm nội quan (Pc 6) hai bên hợp cốc (Li 4) xuyên đến Lao cung (Pc 8), và lưu kim 20 phút.
Bấm huyệt để giảm tăng tiết mồ hôi
Tinh thần căng thẳng, cảm xúc thay đổi cũng là nguyên nhân thường gây đổ mồ hôi. Bệnh nhân càng lo lắng càng đổ mồ hôi nhiều đã tạo ra một vòng luẩn quẩn. Đông y gọi là tâm thần bất an, biểu hiện tâm hỏa động. Xoa bóp các huyệt vị thích hợp trên các đường kinh tâm, tâm bào lạc, thận sẽ hỗ trợ bình ổn tinh thần và giảm bớt tình trạng tăng tiết mồ hôi.
Huyệt vị dùng để day bấm để điều trị ra mồ hôi tay chân bằng đông y
Phương pháp 1: Nội quan (Pc 6) và thần môn (Ht 7). Dùng lực ấn 5 giây, ngừng 2 giây, mỗi huyệt ấn 5 phút, có tác dụng ninh tâm an thần.
Phương pháp 2: Dùng ngón tay cái xoa ấn lòng bàn tay, đặc biệt là day ấn các huyệt huyệt thiếu phủ (Ht 8), lao cung (Pc 8) trong vòng 1 phút. Tác dụng thanh trừ tâm thận hư nhiệt.
Phương pháp 3: Ra mồ hôi kèm theo lòng bàn tay nóng, người buồn bực khó chịu, khó vào giấc ngủ. Ngoài day ấn huyệt lao cung (Pc 8) và thiếu phủ (Ht 8), cần day ấn thêm huyệt dung tuyền (Ki 1) ở lòng bàn chân.

Thuốc đông y dùng ngoài để giảm tăng tiết mồ hôi tay chân
Thuốc đông y dùng ngâm rửa bên ngoài có tác dụng trực tiếp ức chế tuyến mồ hôi tiết mồ hôi. Ngoài ra còn có tác dụng ngăn ngừa và điều trị một số bệnh kèm khác ở tay chân như bong tróc, nứt, herpes, mồ hôi, nấm da. Phương pháp này thích hợp cho tiến hành tại nhà, và được xem như là một phần của cách chăm sóc sắc đẹp hàng ngày.

 
  • Hoàng kỳ 30g, cát căn 30g, kinh giới 10g, phòng phong 10g nấu sôi. Trước tiên là xông sau đó ngâm rửa. Thích hợp cho những người ra mồ hôi tay.
  • Minh phàn (phèn chua) 30g, lục phàn (FeSO4·7H2O) 30g, trắc bá diệp 60g, nhi trà 30g nấu sôi. Dùng để rửa. Thích hợp cho trường hợp ra mồ hôi bàn tay, bàn chân và bị mọc mụn nước.
  • Sinh hoàng kỳ 30g, cát căn 20g, phèn chua 15g nấu sôi. Trước hết là xông sau đó ngâm rửa. Thích hợp cho trường hợp ra nhiều mồ hôi tay chân khi làm việc căng thẳng.
  • Lá chè 25g, muối 25g. Thích hợp để ngâm rửa trong trường hợp ra nhiều mồ hôi chân.
  • Phèn chua 30g, khổ sâm 15g, đinh hương 10g, cát căn 15g, mã xỉ hiện 15g, xích thạch chi 30g, nấu sôi. Dùng ngâm chân trong trường hợp ra nhiều mồ hôi chân và có mùi hôi ở chân.
  • Thương nhĩ tử 60g, khổ sâm 30g, xà sàng tử 30g, hoàng bá 30g, phèn chua 30g, sáp ong 15g, nấu sôi. Dùng để ngâm. Có tác dụng khử trùng, giảm tiết mồ hôi, chống ngứa, phòng ngừa nấm da.
  • Địa phu tử 20g, thương nhĩ tử 60g, khổ sâm 30, bạch tiên bì 20g rêu, Hoàng bá 30g, nấu sôi. Ngâm rửa. Có tác dụng làm mềm da, chống ngứa, khử trùng.
Các bài thuốc nêu trên có thể được sử dụng để ngâm rửa hoặc xoa xát. Khi dùng để ngâm rửa, nhiệt độ chất lỏng nên được duy trì ở mức tốt nhất từ ​​50-60 °C, ngâm trong 20 phút. Trong khi đó nên cọ xát bàn tay hoặc chân qua lại, để loại bỏ da chết. Sau đó rửa sạch bằng nước trong, dùng khăn lau khô, rồi thoa kem dưỡng da hay kem chống nấm (nếu cần thiết).

Phương pháp phòng chống hôi chân
Ra nhiều mồ hôi chân cần có thói quen tự vệ sinh. Mang giày và tất thường xuyên làm cho môi trường không thông thoáng và ẩm ướt thúc đẩy vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Chúng phân hủy các chất tiết trong mồ hôi, sự tích tụ của da chết, vv, tạo nên mùi hôi. Do đó cần có thói quen vệ sinh đúng cách bàn chân, đặc biệt khi chân bị ra nhiều mồ hôi:
  • Rửa sạch bàn chân và các ngón chân, sau đó dùng khăn mềm, sạch lau khô;
  • Chọn giày và tất có chất lượng, đảm bảo thông thoáng khí, kích thước phù hợp;
  • Đừng lúc nào cũng chỉ mang một đôi giày và tất, mà nên chuẩn bị sẵn giày và tất để thay thế nhiều lần trong mỗi ngày, để đảm bảo luôn luôn được mang giày khô;
  • Nên để đôi chân của bạn được thông thoáng, thường xuyên cởi giày, và đi chân không lúc ở nhà;
  • Xịt thuốc khử trùng, bột talc, dùng miếng thấm và khử mùi để lót giày…
  • Tiệt trùng bằng cách sử dụng xà phòng để rửa chân;
  • Trước khi đi ngủ mỗi ngày, ngâm chân trong nước nóng khoảng 15 phút;
  • Thường xuyên làm sạch giày hoặc miếng lót, đảm bảo khô trước khi tái sử dụng;
  • Nên điều trị sớm và tích cực bệnh nhiễm nấm ở chân và các bệnh lý khác của bàn chân.
Hôi chân chủ yếu là do vi khuẩn phân hủy chất tiết, da chết.
Thực phẩm thường ngày
Tăng tiết mồ hôi tay chân nên ăn nhiều thức ăn có tác dụng thanh nhiệt, kiện tỳ như củ sen, măng, cải bắp, rau bina, rau muống, mướp đắng, dưa chuột, bầu, cà chua, dưa, cần tây, nấm trắng, đậu xanh, đậu váng, đậu phụ, hạt ý dĩ, sơn tra, chuối, hạt sen, sữa chua, vv, sẽ giúp loại bỏ nhiệt cho cơ thể. Uống nhiều nước sẽ giúp ổn định hệ thống thần kinh, Hạn chế ăn các thực phẩm kích thích tăng tiết mồ hôi.
 
NguồnTS.BS. Đoàn Văn Minh
Lượt xem03/06/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng