Bệnh thường gặp

5 triệu chứng thiếu máu cơ tim thường hay gặp

Cập nhật278
0
0 0 0
5 triệu chứng thiếu máu cơ tim thường hay gặp
 
Thiếu máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch. Việc nhận biết sớm triệu chứng thiếu máu cơ tim sẽ giúp bạn có hướng điều trị kịp thời, phòng tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim hay tử vong đột ngột.
Nhận biết sớm triệu chứng thiếu máu cơ tim sẽ giúp bạn có hướng điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: internet
Thiếu máu cơ tim hay thiếu máu cục bộ cơ tim là tình trạng lượng máu giàu oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho tim bị giảm thiểu. Đây là hậu quả của sự tắc nghẽn lòng động mạch do mảng xơ vữa, do co thắt mạch vành quá mức hoặc nhu cầu trao đổi chất của tim tăng lên đột ngột. 
Tùy thuộc vào mức độ thiếu máu đến cơ tim hay mức độ biến chứng, mỗi người bệnh sẽ có những triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Các nhà khoa học đã thống kê và phân chia các triệu chứng thiếu máu cơ tim thành 2 nhóm chính:
Triệu chứng thiếu máu cơ tim có thể rõ ràng hay kín đáo tùy từng trường hợp
1. 5 triệu chứng thiếu máu cơ tim thường gặp
Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của bệnh thiếu máu cơ tim là cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp người bệnh hoàn toàn không có biểu hiện đau thắt ngực mà thay vào đó là những triệu chứng không điển hình khác như (khó thở, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực). Những đối tượng này thường là người cao tuổi, người tăng huyết áp, người bệnh tiểu đường lâu năm, phụ nữ hay người có ngưỡng chịu đau cao.
1.1. Đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim có thể xuất hiện dưới dạng cơn đau thắt ngực ổn định hoặc cơn đau thắt ngực không ổn định. Những đặc điểm dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt rõ 2 dạng đau thắt ngực này.
Đau thắt ngực ổn định
- Hoàn cảnh xuất hiện: Xuất hiện lặp đi lặp lại khi làm việc gắng sức, tình trạng xúc động mạnh hoặc bị nhiễm lạnh đột ngột.
- Vị trí: Đau thắt, dữ dội nhất ở bên trái của ngực hoặc phía sau xương ức và có thể liên quan đến hàm và vai trái.
- Tính chất cơn đau: Đau bóp nghẹt, co thắt, cảm giác xoắn vặn, đè ép hoặc đôi lúc khó chịu âm ỉ trong lồng ngực. 
- Thời gian: Có thể xảy ra trong vài phút và  giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch.
- Đau thắt ngực ổn định xảy ra theo kiểu gần như có thể đoán trước được, ví dụ như khi gắng sức hoặc trong thời gian căng thẳng nghiêm trọng. Điều này báo hiệu mảng xơ vữa đã trở nên đủ lớn để gây tắc nghẽn một phần động mạch vành.
Đau thắt ngực là triệu chứng thiếu máu cơ tim điển hình. Ảnh minh họa: internet
Đau thắt ngực không ổn định
- Hoàn cảnh xuất hiện: Bất cứ lúc nào, đôi khi người bệnh có thể bị đau thắt ngực ngay cả khi đang nghỉ ngơi hoặc khi ngủ, không liên quan đến hoạt động gắng sức.
- Vị trí đau: Vùng ngực trái và có thể lan ra lưng, vai, cánh tay hoặc hàm. Đặc biệt, một số phụ nữ có thể không bị khó chịu ở ngực. Thay vào đó, họ có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở bên trái của ngực hoặc cánh tay hoặc đau họng.
- Tính chất cơn đau: Không đồng nhất giữa các lần. Cơn đau thắt ngực không điển hình thường được mô tả là cảm giác bị đè ép, căng ép hoặc nóng hoặc bỏng rát. 
- Thời gian: Cơn đau chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút và không quá 5 phút. Nếu cơn đau kéo dài quá 15 – 20 phút thì đây là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim đang đến rất gần với bạn. 
- Người có cơn đau thắt ngực không ổn định dù dùng thuốc giãn mạch nhưng cơn đau vẫn không giảm. Tình trạng này cũng cảnh báo khả năng cao động mạch đã bị tắc hoàn toàn. Vì thế tỷ lệ nhồi máu cơ tim vì thế cũng tăng lên. 
1.2. Khó thở, thở hụt hơi
Khó thở là một triệu chứng không điển hình của tình trạng thiếu máu cơ tim. Bạn có thể có cảm giác ngột ngạt, khó thở, hụt hơi như thiếu không khí để thở khi tim bị thiếu máu nuôi dưỡng. Nguyên nhân là do khi lượng máu tới cơ tim giảm, khả năng co bóp hút máu từ phổi về tim cũng bị ảnh hưởng. Điều này khiến máu dễ bị ứ tại phổi gây khó thở.
Cơ tim càng bị thiếu máu lâu ngày, càng suy yếu thì triệu chứng khó thở sẽ càng rõ rệt. Những người thiếu máu cơ tim biến chứng suy tim có thể bị thở gấp ngay cả khi đi bộ hay làm việc vặt trong nhà.
Người bị thiếu máu cơ tim cũng có thể gặp dấu hiệu khó thở. Ảnh minh họa: internet
1.3. Thiếu năng lượng, mệt mỏi 
Cảm giác mệt mỏi, uể oải, chân tay rã rời, không muốn làm việc gì thường xảy ra khi người bệnh thiếu máu cơ tim leo cầu thang, làm việc gắng sức, bê vác vật nặng. Nếu triệu chứng này xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi và với mức độ thường xuyên hơn, rất có thể chức năng tim đã bị suy yếu.
1.4. Chóng mặt / choáng váng 
Lý giải về triệu chứng thiếu máu cơ tim không điển hình này, các chuyên gia cho biết, nếu cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng sẽ giảm khả năng co bóp. Hậu quả là kéo theo lượng máu lên não bị thiếu hụt dẫn đến người bệnh bị chóng mặt, choáng váng. Triệu chứng này thường xuất hiện với cảm giác mệt mỏi, uể oải.
1.5. Tim đập nhanh
Thiếu máu cơ tim có thể khiến tim đập nhanh trên 100 nhịp/phút. Người bệnh sẽ cảm giác tim đập từng nhát thình thịch như ngựa phi trong lồng ngực kèm đánh trống ngực hồi hộp. Mặc dù so với cơn đau thắt ngực, tim đập nhanh ít gặp hơn nhưng đây vẫn là dấu hiệu nghi ngờ cơ tim bị thiếu máu.
Tim đập nhanh là một triệu chứng không điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim. Ảnh minh họa: internet
2. Thiếu máu cơ tim sẽ trở nên nguy hiểm nếu có các dấu hiệu này
Bệnh thiếu máu cơ tim có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phù phổi, rối loạn nhịp tim, suy tim đe dọa tính mạng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Trong đó nhồi máu cơ tim là biến chứng do thiếu máu cơ tim thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao nhất.
Một số dấu hiệu cảnh báo các biến chứng của thiếu máu cơ tim mà bạn cần đặc biệt lưu tâm là:
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim: Đau tim dữ dội hơn so với cơn đau thắt ngực, dùng nitroglycerin không giảm đau. Đau kèm theo hồi hộp, vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn, đầy trướng bụng, buồn đi cầu, đau lưng, đau hàm, đau vai, tê hay sưng phù cánh tay hoặc ngứa ran.
Dấu hiệu đột quỵ: Xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười, một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên, không thể nói hay nhắc lại một câu đơn giản…
Dấu hiệu phù phổi cấp: Khó thở đột ngột, khó thở phải ngồi, ho khan ra bọt hồng, da xanh, vã mồ hôi, chi lạnh, vẻ mặt lo lắng, tĩnh mạch cổ nổi.
3. Phải làm gì khi gặp phải các triệu chứng thiếu máu cơ tim?
Nếu gặp phải các dấu hiệu thiếu máu cơ tim, hãy đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác mức độ bệnh và chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Sau đó sử dụng thuốc đúng liều, đủ liều theo đơn của bác sĩ điều trị trực tiếp. Đồng thời, bạn cần hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ khiến tình trạng thiếu máu cơ tim nặng lên bằng cách duy trì lối sống lành mạnh. 
Nếu muốn giảm các dấu hiệu thiếu máu cơ tim, đừng quên lối sống lành mạnh. Ảnh minh họa: internet
Một lối sống lành mạnh tốt cho tim sẽ cần:
  • Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích
  • Kiểm soát cân nặng ở ngưỡng cho phép, kiểm soát huyết áp, đường máu, mỡ máu trong giới hạn cho phép
  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: tăng cường rau xanh, cá, thịt gia cầm, hoa quả, hạn chế thịt đỏ, thức ăn nhanh, chế biến thức ăn ở dạng luộc, hấp
  • Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, không gắng sức, nên chia sẻ thông tin bệnh lý của bản thân cho huấn luyện viên để được hướng dẫn bài tập phù hợp.
  • Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, có thể áp dụng một số phương pháp giải tỏa stress như thể thao, du lịch, yoga, gặp gỡ bạn bè…
  • Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột. 
Rất nhiều người bệnh thiếu máu tim lựa chọn kết hợp các giải pháp hỗ trợ từ thảo dược và sức khỏe cải thiện đáng kinh ngạc. Bởi lẽ các sản phẩm thảo dược có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim từ đó hỗ trợ cải thiện đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi… ngăn ngừa xơ vữa mạch vành và phòng tránh cơn nhồi máu cơ tim, suy tim. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao, bạn cần lưu ý lựa chọn sản phẩm thảo dược đã được kiểm chứng lâm sàng bài bản chứng minh và được truyền thông trong nước cũng như Quốc tế công nhận.
Kiểm chứng lâm sàng là tiêu chí cần có khi lựa chọn các sản phẩm hỗ trợ giảm triệu chứng thiếu máu cơ tim
Trong trường hợp bạn có những triệu chứng cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim thì bạn cần:
  • Dừng ngay mọi hoạt động nhất là các hoạt động gắng sức, tìm một nơi thông thoáng nhất gần đó và ngồi dựa lưng vào tường hoặc gốc cây nếu đang ở ngoài hay tựa đầu gối nâng cao.
  • Liên hệ người trợ giúp hoặc gọi 115.
  • Thả lỏng cơ thể, nới lỏng quần áo, tập trung hít thở nhẹ nhàng.
  • Uống ngay thuốc mà bạn được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn trước đó. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nếu trước đó bạn chưa được bác sĩ kê đơn.
  • Tuyệt đối không sử dụng các phương pháp truyền miệng như xoa gừng, xoa rượu, xoa dầu nóng…
  • Điều chỉnh lại cảm xúc, tránh lo lắng, hoảng loạn quá mức.
Các triệu chứng thiếu máu cơ tim có thể rất nguy hiểm và làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bạn. Bằng cách phát hiện sớm, thăm khám kịp thời và điều trị đúng cách, bạn sẽ sớm kiểm soát được những triệu chứng này.
 
Nguồn BS Uông Mai
Lượt xem03/06/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng