Thuốc hay - Thầy giỏi

Giảm đau bụng kinh bằng thảo dược

Cập nhật610
0
0 0 0
Giảm đau bụng kinh bằng thảo dược

Trong trường hợp phụ nữ bị đau bụng kinh, có thể uống nước ngải cứu, gừng tươi hay ngâm chân trong nước thảo dược, giúp xoa dịu cơn đau bụng trong ngày “đèn đỏ”.
Đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh có thể xuất hiện trước, trong và sau những ngày “đèn đỏ”, với biểu hiện đau bụng dưới, thắt lưng, ngực căng tức thậm chí có những biểu hiện nặng hơn như khó thở, đổ mồ hôi, đứng lên ngồi xuống mặt mày xây xẩm. Tử cung co bóp quá mạnh đè lên các mạch máu gần đó, cắt đứt nguồn cung cấp oxy cho các tế bào cơ. Một phần cơ tử cung bị thiếu oxy sẽ dẫn tới đau bụng.

Có nhiều cách chữa đau bụng kinh: Massage, chườm đá nóng hay lăn bình nước ấm qua bụng vừa massage. Ngoài ra, có thể dùng một túi muối hạt hơ lửa cho nóng ấm để chườm bụng. Một nắm lá ngải cứu cùng muối hạt hơ nóng chườm trên bụng cũng có tác dụng tốt xoa dịu cơn đau. Bên cạnh đó,  bạn có thể ngâm chân 15-20 phút trong nước muối nóng hoặc nước dược liệu có tinh dầu như quế, sả, củ địa liên, gừng, giúp cơ thể thư giãn và tác động lên những mạch máu, nhờ vậy làm giảm cơn đau. 

Một số người còn sử dụng phương pháp châm cứu trong trường hợp cơn đau bụng kinh nặng. Thuốc uống chống co thắt tử cung và có tác dụng an thần nhưng thường đi kèm tác dụng phụ, do đó chỉ dùng khi thực sự cần thiết, không nên lạm dụng.
Theo Đông y, một số cây thuốc quen thuộc có thể chữa chứng đau bụng kinh như:
- Ngải cứu nấu nước sôi, khoảng 10 phút. Lấy nước uống, uống 2-3 lần trong ngày.

- Cỏ cú:  30g củ tươi, nếu củ khô thì 12g, một lít nước. Nấu sôi 15 phút, uống vài lần trong ngày.
- Một nắm cây ích mẫu, chừng 20g nếu lá khô, nấu cùng một lít nước để uống.
- Nhân trần, 3 loại nhân trần đều dùng được, nấu 50g tươi hoặc 15g khô nấu đặc uống.    
- Gừng tươi 20g đun nước uống giúp ấm bụng, xoa dịu cơn đau.
Chữa đau bụng kinh với bạch đồng nữ
Theo Đông y bạch đồng nữ có vị hơi đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, tiêu viêm.
Thường dùng chữa bạch đới khí hư, viêm loét tử cung, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt lở ngứa, viêm mật vàng da, gân xương đau nhức, tăng huyết áp.
Bạch đồng nữ còn có tên khác là vậy trắng, mấn trắng… Là loại cây nhỏ cao, lá mọc đối, lá rộng hình trứng dài, đầu nhọn, phía cuống hình tim hay hơi phẳng, mép có răng cưa to, thô. Mặt trên màu sẫm hơn, có lông ngắn, mặt dưới nhạt màu hơn, gần như bóng, trên các đường gân hơi có lông mềm. Cuống lá dài khoảng 8cm. Khi vò nát lá có thấy mùi hôi đặc biệt của cây bạch đồng nữ. Hoa màu hồng nhạt hay trắng, có mùi thơm; hoa mọc thành hình mâm xôi gồm nhiều tán. Tràng hoa hình ống nhỏ, có 4 nhị đính trên miệng ống tràng cùng với nhuỵ vượt quá tràng hoa. Quả hạch gần dạng hình cầu. Mùa hoa nở tháng 7, 8 và quả chín tháng 9,10.
Bạch đồng nữ
Cây mọc hoang ở nhiều nơi. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và lá. Thu hái vào lúc cây đang và sắp ra hoa, sấy khô phơi âm can (phơi khô trong mát, nơi có nhiều gió không phơi ra nắng), hoặc có thể dùng rễ rửa sạch, phơi khô dùng dần.
Một số bài thuốc đông y thường dùng:
  • Bài 1: Chữa đau bụng kinh: (do khí huyết không thông, khí bị cản trở, làm huyết ứ tắc lại gây đau bụng vùng hạ vị, thường xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh): Lá bạch đồng nữ, ngải cứu, hương phụ, ích mẫu, mỗi vị 6g. Tất cả các vị rửa sạch cho vào ấm đổ nước 500ml, sắc trong nửa giờ, chia 2 - 3 lần uống trong ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường cho dễ uống. Uống trước khi có kinh khoảng 10 ngày, sau đó có thể uống liền từ 2 - 3 tháng, giúp cho khí huyết lưu thông.
  • Bài 2: Rối loạn kinh nguyệt, kinh không đều, có kinh đau bụng: Lá bạch đồng nữ, hương phụ, ngải cứu, ích mẫu, mỗi vị 10 - 12g (khô). Tất cả các vị rửa sạch cho vào ấm đổ nước 500ml, sắc trong nửa giờ, chia 2 - 3 lần uống trong ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường cho dễ uống. Uống sau khi hết kinh độ 5 - 7 ngày. Uống liền 2 - 3 tuần lễ.
  • Bài 3: Chữa khí hư bạch đới (biểu hiện là khí hư có màu trắng, đôi khi vàng, vàng xanh, có mùi hôi... kèm theo là các triệu chứng đau mỏi lưng, hông, mệt mỏi toàn thân): Bạch đồng nữ, trần bì, ích mẫu, ngải cứu, hương phụ, mỗi vị 10g. Tất cả các vị rửa sạch cho vào ấm đổ nước 500ml, sắc trong nửa giờ, chia 2-3 lần uống trong ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường cho dễ uống. Uống liền 2 - 3 tuần sau chu kỳ kinh nguyệt. Dùng nhắc lại liệu trình thứ hai vào sau kỳ kinh tháng sau.
  • Bài 4: Hỗ trợ điều trị  lỵ thể nhẹ: Lá bạch đồng nữ non 30g, rau sam 30g, 2 thứ rửa sạch thái nhỏ luộc ăn cả cái lẫn nước. Có thể cho vị thuốc vào ấm đổ nước 500ml, sắc trong nửa giờ, chia 2 - 3 lần uống trong ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường cho dễ uống. Uống liên tục 5 - 7 ngày.
  • Bài 5: Chữa tiểu buốt, tiểu rắt do nhiệt: Bạch đồng nữ, xích đồng nam, cỏ chỉ thiên, rễ tranh, cỏ bấc, thịt ốc bươu, mỗi thứ khoảng 20g. Sắc với 1 lít nước, còn lại 300ml, chia 2 lần uống lúc đói. Uống từ 5 - 7 ngày.
Theo Y học cổ truyền đau bụng kinh hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là ở tuổi thanh niên. Nguyên nhân là do sự lưu thông khí huyết mất điều hòa, khí huyết vận hành bị cản trở, ứ tắc lại mà gây đau. Tùy từng thể trạng mà có những bài thuốc phù hợp.
Đối với trường hợp do hàn thấp, khí trệ huyết ứ
Biểu hiện: Đau bụng vùng hạ vị, đau tức, chướng, đau trước và trong kỳ kinh, lượng kinh ít, có thể có máu bầm đen. Có thể dùng bài thuốc sau:
  • Bài 1: Ðỗ đen 30g, hồng hoa 6g, đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Ðỗ đen vo sạch rang thơm, cho vào nồi cùng hồng hoa, đổ khoảng 500ml nước, ninh đỗ chín nhừ, lọc lấy nước cho thêm đường đỏ, uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml, uống trong 3 ngày trước kỳ kinh.
  • Bài 2: Gạo tẻ 100g, lá ngải cứu tươi 50g, đường đỏ vừa đủ. Cách chế biến: Gạo vo sạch, rửa sạch ngải cứu, thái vụn, cho vào nồi đổ nước xâm xấp, đun khoảng 30 phút, lấy nước thuốc cho vào ninh cháo, khi chín thêm đường đỏ. Ăn nóng, ngày ăn vài lần. Ăn trước kỳ kinh 3 - 5 ngày.
  • Bài 3: Đại táo 30g, can khương 30g, xuyên tiêu10g. Cách chế biến: Tất cả ngâm nước cho nở, đại táo cắt bỏ hạt, can khương thái lát, cho 500ml nước vào đun sôi, rồi cho xuyên tiêu vào, đun tiếp trong 10 phút, bắc ra chắt lấy nước uống nóng, chia 2 lần/ngày. Ăn trước kỳ kinh 3 - 5 ngày.
  • Bài 4: Gừng tươi 15g, lá ngải cứu chọn lá bánh tẻ 9g, trứng gà 2 quả. Cách chế biến: Ngải cứu rửa sạch thái nhỏ, gừng tươi rửa sạch đập giập, cho vào 300ml nước, cho trứng gà vào luộc, tới khi trứng chín, bóc vỏ trứng, lại cho vào đun tiếp với dịch thuốc trên trong 5 phút. Bắc ra uống nước thuốc, ăn trứng gà. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn trước kỳ kinh 3 ngày.
  • Bài 5: Ích mẫu 12g, ngưu tất 12g, hương phụ 8g, sa nhân 6g, thanh bì 6g, ô dược 8g. Cách chế biến: Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trước ngày hành kinh khoảng 3 ngày.
Đối với trường hợp do khí huyết hư nhược
Biểu hiện đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, thường đau sau khi hành kinh, xoa bóp đỡ đau, người mệt mỏi, sắc mặt nhợt, lượng kinh ra ít, màu sắc kinh nhợt.
  • Bài 1: Thịt dê 500g, đương quy 90g, gừng tươi 150g. Cách chế biến: Thịt dê làm sạch, lọc bỏ màng mỡ, dùng nước nóng rửa sạch hết huyết đọng, thái miếng dài. Đương quy, gừng tươi rửa sạch, thái lát nhỏ. Cho vào nồi cùng đương quy, sinh khương, cho nước đun sôi, vớt bỏ váng bẩn, vặn nhỏ lửa hầm trong 1 giờ tới khi thịt dê chín nhừ là được. Bắc ra ăn thịt, uống nước hầm. Ăn liên tục trong 3 ngày trước khi hành kinh.
  • Bài 2: Hoài sơn, kê huyết đằng, ngưu tất mỗi vị 16g; đẳng sâm, hà thủ ô, long nhãn, kỳ tử, ý dĩ , bạch biển đậu mỗi vị 12g, bạch truật 10g. Cách chế biến: Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 700ml nước, sắc còn 200ml nước, chia 3 lần uống trong ngày, uống lúc còn ấm. Uống trước ngày hành kinh khoảng 3 ngày.
Lưu ý: Trước và trong kỳ kinh cần tránh ăn các đồ sống lạnh.
Cách dùng nghệ đen chữa đau bụng kinh
Theo y học cổ truyền, nghệ đen có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng hành khí, thông kinh, tiêu tích, hóa thực,… Đây là cây thuốc thông dụng chữa nhiều bệnh ở phụ nữ, đặc biệt là đau bụng kinh.

Nghệ đen còn có  nhiều tên gọi khác nhau như nghệ tím, ngải tím, ngải xanh, nghệ đăm. Về hình dáng, nghệ đen rất giống nghệ vàng nhưng có màu tím đậm. Đây là loại cây thảo, cao từ 1 - 1,5m, thân rễ hình nón với nhiều nhánh phụ thon như hình quả trứng tỏa xung quanh như hình chân vịt. Lá có bẹ to ôm vào chân cây ở phía dưới, có đốm tía đỏ ở gần giữa mặt trên, lá dài 30 - 60 cm, rộng 7 - 8cm. Cuống lá ngắn hoặc không có. Hoa màu vàng, đài có thùy hình mác tù, dài 15mm, thùy giữa nhọn. Cụm hoa tập trung thành bông hình trụ, mọc lên từ thân rễ. Lá bắc phía dưới hình quả trứng hay hình mác tù, màu xanh lục nhạt, đầu lá màu đỏ, không mang hoa. Quả hình trứng, ba cạnh, nhẵn hạt thuôn, áo hạt trắng.
Cây mọc hoang ở vùng rừng núi, ven suối, nơi đất xốp ẩm và được trồng ở nhiều nơi. Trong y học cổ truyền, nghệ đen có tên thuốc là nga truật. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ tươi hoặc phơi khô.
Cách sử dụng nghệ đen:
- Bổ khí, dưỡng huyết: Nghệ đen, bạch chỉ, hồi hương, cam thảo, đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung mỗi vị 40g. Tất cả các vị tán bột, hoàn thành viên. Ngày uống 8 - 12g. Thích hợp dùng cho các trường hợp suy nhược, tiêu hóa hấp thu kém, thể trạng xanh xao, thiếu máu…
- Chữa chứng huyết ứ, kinh nguyệt không thông, bế kinh, máu ra kéo dài, đen, đông thành khối nhỏ, kèm theo đau bụng trước khi thấy kinh: Nghệ đen 15g, ích mẫu 15g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 5-7 ngày trước kỳ kinh.
- Chữa đau bụng kinh, sắc kinh xấu: Nghệ đen  20g, ích mẫu 16g, ngải cứu 8g. Sắc với 500ml nước, còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống 5-7 ngày trước kỳ kinh.
- Ăn không tiêu, bụng đầy trướng: Nghệ đen 25g, tim lợn 1 cái. Tim lợn làm sạch, thái miếng nghệ đen thái lát, nấu chín, thêm gia vị. Ăn liên tục 5 - 7 ngày.
Lưu ý: Không dùng cho người khí huyết hư, phụ nữ có thai.
Dược thiện trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt
Bình thường, phụ nữ hành kinh theo chu kỳ của trăng (nguyệt tín). Tuy nhiên, do thay đổi sinh hoạt như lao động mệt mỏi, thiếu ngủ, ăn uống không phù hợp, cảm mạo, đang dùng thuốc... có thể làm rối loạn kinh nguyệt.
Đau bụng kinh là chứng thường gặp ở phụ nữ. Theo Đông y, khí huyết không thông thì gây đau. Nếu đau trước khi hành kinh là do huyết ứ, kinh máu thường có sắc sẫm hoặc đen, nhiều huyết khối. Nếu đau bụng lúc đang thấy kinh, thường là do chứng huyết hư. Nếu đau bụng cả trước và sau hành kinh, tức là vừa huyết hư vừa huyết ứ. Nếu đau bụng kinh kèm theo trướng bụng thì là khí trệ. Đau bụng kèm theo buồn nôn là do đàm thấp, đau tăng khi gặp lạnh hoặc chườm nóng thấy dễ chịu là do gặp hàn... Các bài thuốc dưới đây sẽ giúp chị em giải quyết chứng đau bụng kinh và rối loạn kinh nguyệt.
Đau bụng kinh, lượng kinh ít:
  • Bài 1: ngải cứu, bạch đồng nữ, ích mẫu, hương phụ (tứ chế) mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn 1,5 giờ. Phương thuốc này ngoài tác dụng điều hòa kinh nguyệt còn dùng trong trường hợp rong kinh kéo dài kèm theo tăng huyết áp.
  • Bài 2: hương phụ 16g; xuyên khung, đương quy mỗi vị 12g; diên hồ sách 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống ấm trước bữa ăn 1,5 giờ.
  • Bài 3: diên hồ sách, đương quy, bạch thược, hậu phác mỗi thứ 10g; nga truật, tam lăng, mộc hương mỗi thứ 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn 1,5 giờ.
  • Bài 4: hương phụ (chích giấm) 20g, diên hồ sách (chích rượu) 80g. Cả hai tán bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 6g với nước ấm hoặc rượu ấm.
Trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt
  • Bài 1: hồng hoa, đương quy, tam lăng, đan sâm, nga truật mỗi vị 12g; nhục quế, mộc hương mỗi vị 6g; ngũ linh chi, diên hồ sách mỗi vị 9g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, uống ấm trước bữa ăn 1,5 giờ. Uống trước kỳ kinh 1 tuần và sau hết kinh 3 ngày. Uống 3 liệu trình trong 3 tháng.
  • Bài 2: hương phụ 30g, đương quy 20g; bạch thược, thục địa, bạch truật mỗi vị 100g; xuyên khung, trần bì, hoàng cầm mỗi vị 50g; sa nhân 25g. Bào chế dạng hoàn, ngày dùng 9g trước bữa ăn 1,5 giờ.
 
Nguồnsuckhoedoisong.vn
Lượt xem13/06/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng